Kết quả thực hiện hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2023, tỉnh Thanh Hóa”

Trong những năm qua, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn được Chính phủ quan tâm, chính quyền địa phương và nhân dân chủ động, tích cực hưởng ứng thực hiện. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và môi trường nông thôn các giai đoạn từ 2000-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án về nước sạch và vệ sinh nông thôn cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) nhằm góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn. Đến nay, hoạt động đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn. Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn chủ đề “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người” với mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương trong việc cùng thúc đẩy thực hiện cấp nước an toàn, đảm bảo an ninh nguồn nước, vệ sinh môi trường và thực hành tốt vệ sinh cá nhân để hướng tới bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như áo chí, phát thanh, truyền hình…, treo biểu ngữ, áp phích, phân phát tài liệu, tờ rơi với mục tiêu, nội dung, nhân tố điển hình, bài học hay về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cùng với đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông trực tuyến trên các trang mạng xã hội, trang web của các tổ chức chính trị xã hội, các trường học tại địa phương nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Đối với các trường học, có thể tổ chức các sự kiện truyền thông, hoạt động truyền thông trực tiếp trong trường học hoặc lồng ghép hoạt động giáo dục, tuyên truyền về các nội dung trên vào các bài giảng của giáo viên trong các tiết học.
9885-1681738277-nsvc.jpg
Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường

Thời gian phát động và hưởng ứng, từ ngày 29/4/2023 đến ngày 6/5/2023, có thể kéo dài đến ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác như ngày Môi trường Thế giới, các ngày lễ lớn 30/4 và 1/5.

Thực hiện Công văn số 4730/UBND-NN ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh về việc giao tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2023, Kế hoạch số 39/KH-SNN&PTNT ngày 17/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 (sau đây gọi tắt là “Tuần lễ”), đảm bảo đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường sống, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về nước sạch và vệ sinh môi trường. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ” của các huyện, thị xã, thành phố.

         Kết quả thực hiện Tuần lễ:

a. Công tác lập kế hoạch, tổ chức và kiểm tra

  - Số huyện đã lập kế hoạch hành động và tổ chức ra quân triển khai thực hiện “Tuần lễ”: 27/27;

  - Số đơn vị cấp xã lập kế hoạch hành động: 416 đơn vị;

  - Số đoàn kiểm tra các huyện được thành lập: 92 đoàn; thực hiện kiểm tra thực tế tại 312 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh;

  - Số đơn vị trong huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch hưởng ứng “Tuần lễ”: 688/725 đơn vị.

b. Công tác tuyên truyền, cổ động

  - Số băng rôn, biểu ngữ, pano, áp phích, tờ rơi trên toàn tỉnh: 2.385 cái;

  - Tổng số lần phát thanh của các đài truyền thanh, truyền hình trên toàn tỉnh: 2.684 lần;

  - Số bài viết được đăng tải trên trang Website của huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị đóng trên địa bàn trên toàn tỉnh: 166 bài;

  - Số lượng các buổi ra quân, tọa đàm, biểu điễn văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng về chủ đề nước sạch, vệ sinh môi trường: 341 buổi.

c. Kết quả hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường

  - Số công trình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình được cải tạo, nâng cấp, làm mới trên toàn tỉnh: 2.170 công trình;

  - Số nhà tiêu hợp vệ sinh được cải tạo, nâng cấp và làm mới trên toàn tỉnh: 35.124 nhà tiêu;

  - Số chuồng trại gia súc, gia cầm được cải tạo, nâng cấp và làm mới trên toàn tỉnh: 14.214 chuồng trại;

  - Số tụ điểm tồn đọng rác trái phép được thu gom, giải quyết: 335 tụ điểm.

  - Chiều dài cống rãnh được khơi thông: 1539,47 km cống rãnh;

  - Số cây xanh được trồng mới: 1.513.493 cây.

31b4075ba2a672f82bb7.jpg

71f61361d79f07c15e8e.jpg