Bảo vệ nguồn nước sạch nông thôn đảm bảo đời sống cho người dân

             Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, quyết định sự tồn vong của một Quốc gia - dân tộc. Do đó, cần thực hiện hiệu quả nội dung bảo vệ nguồn nước, để có nguồn cấp nước sạch nông thôn hợp vệ sinh an toàn, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo ra môi trường sống bền vững.
1.jpg

          Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người, vì nước chiếm đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày. Nước sạch có vai trò trong cơ thể như sau:

         - Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe.

         - Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đối chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi.

         - Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân

         - Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể.

         - Ngoài ra nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống kể cả thai nhi trong nước ối.

          Do vậy, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, trong ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột như: tả, lỵ, thương hàn...; các bệnh về da liễu, mắt, phụ khoa như: hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo… Các bệnh này có thể lây bệnh sang người lành do nguyên nhân chính là thiếu nước và sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng lâu ngày có thể gây ra các bệnh ung thư.
2.jpg
         Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nông thôn không bị ô nhiễm, dẫn tới ảnh hưởng sức khoẻ và hoạt động kinh tế của người dân, đầu tiên mỗi chúng ta cần chủ động nâng cao hiểu biết, đồng thời nỗ lực tham gia các hoạt động, bao gồm:

         Hạn chế, không sử dụng bừa bãi, lãng phí hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tìm hiểu kỹ lưỡng để sử dụng đúng liều lượng quy định và không vứt bừa bãi hộp, vỏ thuốc đã sử dụng ra ngoài môi trường.

         Tích cực phân loại rác và xử lý phù hợp với từng loại rác (rác hữu cơ có thể dùng ủ phân để bón cho cây trồng, đồng ruộng; rác tái chế được như nhựa, túi bóng, giấy thì thu gom bán phế liệu, vừa tăng thu nhập vừa hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước và đất; rác thải nguy hại cần thu gom và để vào khu vực riêng hoặc chuyển cho các tổ chức thu gom địa phương (nếu có).

         Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đồng thời hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt… trước khi xả thải ra môi trường.

         Tăng cường giám sát chất lượng nước đảm bảo quy chuẩn chất lượng; thường xuyên cập nhật và thực hiện Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng cơ chế quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đảm bảo tin cậy, hiệu quả.

         Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải, nước thải không đúng quy định; huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng và người dân trong hoạt động cấp nước và vệ sinh, đặc biệt là công tác bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Lê Phạm Thùy Dương - Cán bộ Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật